Liên quan đến những bất cập trong hoạt động của Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN), đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng, cơ quan khoa học và các nhà chuyên môn về tự kỷ.
Theo đó, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam đề nghị thẩm định “phát minh mới, hướng đi mới trong trị liệu tự kỷ” của ông Phan Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Tâm Việt.
Văn bản nêu: “Ông Phan Quốc Việt, người mở trung tâm Tâm Việt “Huấn luyện người tự kỷ thành kỷ lục gia” thường quảng bá là có phát minh mới, mở ra hướng đi mới trong trị liệu tự kỷ. Rất nhiều phụ huynh có con tự kỷ bị thu hút bởi những quảng bá này.
Trẻ tự kỷ trong giờ học của Tâm Việt |
Nhưng chúng tôi nhận thấy, ông Phan Quốc Việt chưa bảo vệ thành công một công trình khoa học và được công nhận phát minh này hay phương pháp này ở bất cứ đâu”.
Theo văn bản của Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, dù chưa thực hiện, đã tổ chức trung tâm huấn luyện và thu phí, tiến hành quảng bá trên mạng, trả lời báo chí, hứa hẹn với phụ huynh việc sẽ huấn luyện thành công. “Có hay không việc trẻ tự kỷ trở thành vật thí nghiệm của phương pháp chưa kiểm định khoa học?”, văn bản này nhấn mạnh.
Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam cũng nhận định: “Một số cháu được xem là thành công dựa vào khẳng định của Tâm Việt và của phụ huynh các cháu, nhưng bên cạnh đó một số cháu được gia đình phản ánh là “thân tàn ma dại”, sút cân nghiêm trọng, mắc bệnh ngoài da, tiêu hóa, tinh thần hoảng hốt, không hề có tiến bộ gì… Như vậy phương pháp huấn luyện này có phù hợp với tất cả các cháu hay không?
Ông Việt luôn đến các hội thảo mở để thuyết trình đây là phương pháp “kích hoạt ngược thần kinh”, “thiền động”, “tác động các nơ ron thần kinh có tính dẻo”… nhưng tại Tâm Việt, những kỹ năng cơ bản khi làm việc với trẻ tự kỷ như làm thế nào để trẻ chịu mặc quần áo, xử lý các hành vi ăn vạ, ném đồ, hay là làm thế nào dạy đi vệ sinh đúng cách, là những điều mà khoa học hành vi, khoa học giác quan đã giải quyết được, lại không được thực hiện. Thay vào đó có các dấu hiệu ép buộc tập vận động với cường độ cao”.
Văn bản của Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam yêu cầu: “Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý y tế, giáo dục, lao động thương binh xã hội, các nhà chuyên môn được đào tạo các lĩnh vực thần kinh học, vận động trị liệu, tâm lý, giao tiếp, hành vi, giáo dục đặc biệt, các hội về Người khuyết tật, về Trẻ em… cùng xem xét vấn đề nêu trên.
Nếu phương pháp Tâm Việt là hiệu quả, an toàn, hoặc có những điều còn chưa hoàn thiện, cần phải nghiên cứu thêm, nên có công bố cho phụ huynh và những người quan tâm khác, tránh hoang mang, tranh cãi, làm tổn thương lẫn nhau, không giúp ích gì cho các cháu tự kỷ”.
Trước đó, tháng 7/2019, nhóm phóng viên VietNamNet đã tìm cách thâm nhập, trong vai trò là giáo viên tìm hiểu hoạt động của Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt (thời điểm đang đóng ở KTX trường Đại học TDTT Bắc Ninh (Bắc Ninh).
Học sinh tại phòng tung bóng của Tâm Việt không mặc áo, ngồi một góc bơ vơ |
Mặc dù trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trung tâm quảng cáo với những lời hết sức hấp dẫn: ‘Huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sỹ, kỷ lục gia’; ‘Nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì’… nhưng sự thật lại trái ngược với mong đợi.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, trung tâm có khoảng 40 học sinh, chia làm 4 lớp nhưng mỗi lớp chỉ có 1 -2 thầy cô đảm nhiệm. Do vậy chỉ có một số em được quan tâm, số còn lại bị bỏ bơ vơ trong giờ học.
Mặc dù thu học phí với mức 9.8 triệu; 14.8 triệu và 19.8 triệu nhưng nhà vệ sinh bốc mùi, dụng cụ học tập sơ sài chỉ là những con lăn bằng sắt, vài tấm ván gỗ. Trung tâm cho học sinh luyện tập các bộ môn tung bóng, đi con lăn, đi xe đạp một bánh... nhưng không có đồ bảo hộ. Các em cũng không được đào tạo về giao tiếp, cách hòa nhập với xã hội.
Tâm Việt còn tuyển dụng giáo viên không có bằng cấp, trình độ, hiểu biết về trẻ tự kỷ. Nhiều học sinh không chịu luyện tập còn bị các giáo viên, nhân viên của Tâm Việt chửi bới, đe dọa thậm chí là đánh đập.
Theo Vietnamnet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét